Nâng cao chuẩn mực lựa chọn WDR

Trong bối cảnh có sự tương phản ánh sáng giữa các vùng quá tối và quá sáng (điều kiện ngược sáng), chẳng hạn một đối tượng đứng trước cửa sổ, camera không có WDR sẽ không cung cấp được hình ảnh đối tượng nằm trong vùng tối. WDR cho phép xử lý tình huống này bằng cách cách chụp và hiển thị cả hai vùng sáng và tối trên cùng một khung hình. Lúc này, ánh sáng được cân bằng và phân phối đồng đều để tạo nên một bức ảnh rõ nét, trung thực. Thuật ngữ WDR thường được sử dụng trong các camera IP và camera analog là BLC (Back Light Compensation) để nói đến tính năng cân bằng ánh sáng.

Theo báo cáo của tổ chức nghiên cứu thị trường IHS, khoảng 22% camera IP có WDR (>60 decibel) đã được bán ra trong năm 2012. Kết quả cụ thể năm 2013 sẽ được công bố vào cuối năm 2014 nhưng dự đoán con số này sẽ tăng mạnh mẽ. Hiện tại, ngành công nghiệp giám sát an ninh chưa có tiêu chuẩn quy định WDR cụ thể, dẫn đến thực trạng không phải mọi camera IP có trang bị công nghệ này đều cho ra chất lượng hình ảnh như nhau.

Khi lắp đặt thực tế, camera IP có hỗ trợ WDR của các hãng khác nhau sẽ cho ra chất lượng hình ảnh rất khác biệt. Điều này không phải bấy kỳ nhà tích hợp an ninh hay đại lý camera nào cũng biết. Có nhiều trường hợp camera không hỗ trợ WDR của nhà sản xuất này lại hoạt động tốt hơn camera IP tuyên bố có hỗ trợ WDR của nhà sản xuất khác. Do đó, cần phải có một khu vực thử nghiệm chung để kiểm chứng hiệu suất của các camera hỗ trợ WDR, vì không ai có thể so sánh chính xác hiệu suất khi chỉ dựa vào thông tin đặc điểm kỹ thuật trên sản phẩm. 
Khi lựa chọn camera IP có hỗ trợ tính năng WDR, các nhà tích hợp hệ thống hoặc đại lý cần hỏi rõ nhà sản xuất camera 3 vấn đề chính sau đây.
Mức decibel (dB) cụ thể của camera IP?

Cần phải biết mức dB chính xác của camera, vì dB đại diện cho mức độ ánh sáng mà cảm biến hình ảnh kỹ thuật số có thể phát hiện. Mức dB càng cao, càng có nhiều hình ảnh được xử lý tốt, bất chấp bối cảnh có độ tương phản ánh sáng cao.

Theo IHS, mức WDR tối thiểu trong camera IP thường là 60 dB, và dao động từ 60 dB đến 145 dB, mức WDR được cho là cao nhất trên thị trường camera IP hiện nay. Do chưa có tiêu chuẩn quy định WDR cụ thể, không lạ khi nhiều camera IP có WDR dao động khoảng 60-70 dB sẽ cho ra chất lượng hình ảnh thay đổi không đáng kể. Nhiều lúc, cả chuyên gia an ninh cũng khó xác định camera có WDR nào sẽ hoạt động tốt nhất. Đây cũng là lý do tại sao một số camera không có WDR lại hoạt động tốt hơn camera có WDR trong cùng khu vực thử nghiệm.

Mỗi nhà sản xuất có tiêu chí riêng khi công bố sản phẩm camera có hỗ trợ WDR. Ví dụ, với 60 dB, một nhà sản xuất có thể tuyên bố camera của họ có hỗ trợ WDR; nhưng một nhà sản xuất khác lại không công nhận sản phẩm có hỗ trợ WDR nếu mức dB thấp hơn 90 dB. Ngoài ra, WDR cũng có nhiều tên gọi khác nhau tùy vào cách đặt tên của nhà sản xuất, chẳng hạn như hãng ACTi có các WDR như Basic WDR (74 dB), Advanced WDR (80 dB), Superior WDR (110 dB), Extreme WDR (145 dB) và giá thành giữa các sản phẩm có mức dB liền kề nhau chênh lệch khoảng 5%.

Trên bản thông tin đặc điểm kỹ thuật sản phẩm, nhiều nhà sản xuất không nêu công khai mức dB của WDR trong camera. Đây là thông tin phải có, nếu không công khai trên sản phẩm, nhà sản xuất phải cung cấp thông tin khi được hỏi trực tiếp. Nếu nhà sản xuất vẫn không cho biết mức dB cụ thể, có khả năng hiệu suất WDR của họ rất thấp, và camera của nhà sản xuất này sẽ không hoạt động tốt trong môi trường có độ tương phản ánh sáng cao.



Mất bao lâu để camera hiệu chỉnh hình ảnh trong điều kiện ánh sáng thay đổi đột ngột hoặc ngược sáng?

Ngay cả khi có mức dB tốt, một số camera IP vẫn mất đến 15 giây để điều chỉnh khi gặp ánh sáng thay đổi mạnh và đột ngột, chẳng hạn khi có ánh đèn pha chiếu trực tiếp vào cửa sổ tối. Trong lĩnh vực giám sát an ninh, 15 giây sẽ tạo nên khác biệt rõ ràng về hiệu suất và khả năng giám sát các khu vực quan trọng. Hãy xem ứng dụng giám sát thành phố hoặc giao thông, 15 giây để xử lý hình ảnh và nhận dạng được biển số xe của một chiếc xe vi phạm đang đi đến với đèn pha bật sáng vào ban đêm là quá chậm, khi đó sẽ gây khó khăn cho các nhà chức trách trong việc thu thập thông tin để điều tra làm rõ.
Tính năng WDR trên camera IP được đánh giá tốt khi nó có thể điều chỉnh nhanh ánh sáng thay đổi đột ngột trong vòng 2-4 khung hình, tức khoảng 1-2 giây tùy thuộc vào tốc độ luồng hình ảnh. Nếu chậm hơn, người dùng có nguy cơ bị mất những đoạn hình ảnh quan trọng, có thể gây ảnh hưởng đến an toàn an ninh trong một số trường hợp đặc biệt.
Camera có thể tự động tắt WDR khi không cần thiết?

Camera giám sát an ninh có hỗ trợ WDR thường được lắp đặt trong những khu vực có sự thay đổi ánh sáng nhiều so với điều kiện ánh sáng thông thường. Ví dụ, tại bến tàu bốc dỡ hàng hóa, ánh mặt trời gay gắt buổi sáng sẽ bị khuất bớt vào buổi chiều, tạo ra điều kiện ánh sáng cân bằng hơn, hoặc trong những ngày nhiều mây. Lúc này, tính năng WDR không còn cần thiết, thậm chí có thể khiến hình ảnh quan sát bị nhiễu hạt. Nếu bị nhiễu hạt nghiêm trọng, hình ảnh sẽ không sử dụng được. Và nếu vẫn sử dụng, nhiễu hạt với các điểm ảnh “chuyển động” trong vùng quan sát chính là nguyên nhân làm tăng băng thông sử dụng và dung lượng lưu trữ. Ngoài ra, nhiễu hạt có thể gây ảnh hưởng đến người dùng đang vận hành các tính năng phân tích hình ảnh. Chúng có thể tạo ra các báo động sai vì phần mềm phân tích hình ảnh sẽ tiếp nhận các thay đổi điểm ảnh và xử lý chúng như một cảnh báo an ninh.
Tuy nhiên, nhiều camera IP trên thị trường hiện nay không thể tự động tắt các thiết lập WDR khi không cần thiết. Các camera IP hỗ trợ WDR hiện nay thường chỉ có hai chế độ: “bật” hoặc “tắt”, và cần một nhân viên trách nhiệm thay đổi các thiết lập. Hiện nay các nhà sản xuất camera IP vẫn đang tiếp tục nghiên cứu và cam kết sẽ sớm có tính năng WDR tự động trong những sản phẩm của mình.

Kết luận 
Các công ty uy tín đã có nhiều bài viết đề cập đến công nghệ WDR, đa phần tập trung giải thích công nghệ này hoạt động ra sao, vì sao lại quan trọng, được sử dụng khi nào… Tuy nhiên, vẫn chưa có bài viết nào đề cập đến 3 câu hỏi quan trọng liên quan đến mức dB, khả năng điều chỉnh nhanh khi có tương phản ánh sáng và tự động bật/tắt thiết lập WDR. Câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ giúp các đại lý và nhà tích hợp an ninh đưa ra những quyết định lựa chọn WDR ở mức nào là phù hợp với từng ứng dụng, đồng thời giải tỏa thắc mắc tại sao cùng một công nghệ, các camera có WDR lại cho ra chất lượng hình ảnh cực kỳ khác nhau.

Trần Ngọc Thanh 
Theo SecurityInfoWatch
Share on Google Plus

About Nguyễn Tiến Cường

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment