Lựa chọn UPS phù hợp với môi trường soho

UPS Offline và Line-Interactive với thế mạnh là giá thành và dãy công suất thấp nên thường được các doanh nghiệp SMB và SOHO trang bị. Tuy nhiên, giữa Line-Interactive và Offline, đâu là lựa chọn tối ưu và thông minh?

Ngày nay, công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của hầu hết ngành nghề và lĩnh vực. Chính vì vậy, việc đảm bảo nguồn điện cho các thiết bị CNTT hoạt động ổn định đã trở thành nhu cầu thiết yếu không những đối với các doanh nghiêp qui mô lớn, thậm chí đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, chất lượng điện lưới tại Việt Nam chưa thật sự đảm bảo. Theo thông tin từ Tổng Công ty Điện lực miền Nam EVNSPCC (tháng 12/2013) “Các đường dây trục chính nối liền các tỉnh, các trạm biến áp trong hệ thống điện quốc gia xây dựng từ những thập niên trước đã xuống cấp và không còn đáp ứng tốt yêu cầu cung cấp điện. Hầu hết các hạng mục của trạm biến áp cũ đã xuống cấp, hoặc công nghệ cũ và lạc hậu”. Đó là một trong số nhiều nguyên nhân làm giảm chất lượng nguồn điện cung cấp, dẫn đến tình trạng mất điện, nguồn điện bị tăng áp và giảm áp đột ngột, làm giảm tuổi thọ hoặc thậm chí gây cháy nổ thiết bị. Chính vì vậy, việc trang bị UPS để khắc phục những sự cố trên là điều cần phải làm đối với tất cả doanh nghiệp, thậm chí là SOHO.

Phân loại UPS

Vậy UPS là gì? Nói đơn giản, UPS là một thiết bị có thể cung cấp nguồn điện dự phòng tạm thời nhằm duy trì hoạt động cho các thiết bị sử dụng điện khi gặp sự cố (mất điện, sụt giảm điện áp, tăng áp...) trong một khoảng thời gian nhất định. Tùy theo công suất giới hạn của UPS, nguồn điện dự phòng có thể cung cấp trong khoảng thời gian đủ để các thiết bị quan trọng được tắt một cách an toàn và không mất dữ liệu; hoặc trong thời gian dài hơn, đủ để giữ tải đến khi máy phát điện hoạt động.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại UPS, được chia làm 3 loại: Offline (hoặc Standby), Line-Interactive và Online. Trong đó, UPS Online được xem là dòng sản phẩm cao cấp nhất vì ứng dụng các công nghệ tiên tiến, bảo vệ các thiết bị trước hầu hết các sự cố về điện. Tuy nhiên, dòng sản phẩm này có giá thành rất cao, và người dùng cũng không dễ lựa chọn được UPS Online phù hợp với nhu cầu, cần phải có tư vấn chuyên sâu của chuyên viên kỹ thuật hoặc chuyên gia từ hãng. Vì vậy, UPS Online thường được dùng cho các hệ thống lớn và quan trọng như server, ATM, máy xét nghiệm y khoa, hệ thống điều khiển…
Ngược lại, dòng UPS Offline và Line-Interactive với thế mạnh là giá thành và dãy công suất thấp nên thường được các doanh nghiệp SMB trang bị. Tuy nhiên, giữa Line-Interactive và Offline, đâu là lựa chọn tối ưu và thông minh? Một vài tiêu chí cơ bản được đề cập trong bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta tìm ra đâu là sản phẩm phù hợp.

Offline & Line-Interactive

Đầu tiên, cần phân biệt sự khác nhau giữa Offline và Line-Interactive. UPS Offline là dòng sản phẩm phổ thông và được sử dụng nhiều nhất trên thị trường hiện nay. Nguyên tắc hoạt động của UPS Offline là điện lưới đầu vào đi qua công tắc chuyển mạch trước khi cấp cho thiết bị sử dụng. Lúc này, UPS chỉ sử dụng bộ sạc để nạp đầy điện cho ắc quy. Trường hợp điện lưới không ổn định (quá cao, quá thấp hoặc mất điện), UPS sẽ tự động chuyển mạch (thông qua Inverter), và dùng nguồn điện từ ắc quy cấp cho thiết bị để duy trì hoạt động (Hình 1). Một trong những hạn chế của UPS Offline là nguồn điện cung cấp cho thiết bị sử dụng không phải là nguồn điện “sạch”– sóng điện đầu ra không theo dạng sine chuẩn. Một số thiết bị điện tử yêu cầu phải dùng sóng sine tuyệt đối, nếu không sẽ nhanh hư hỏng và gặp một vài vấn đề như quạt chạy gây tiếng ồn, ánh sáng đèn tuýp nhấp nháy, adapter có thể bị cháy nổ… Ngoài ra, do sử dụng rơ-le chuyển mạch nên thời gian chuyển từ nguồn điện lưới sang pin mất khoảng 12 mili giây. Khoảng thời gian chuyển mạch này khá cao nên thiết bị hoạt động gián đoạn. Do đó, UPS Offline chỉ dùng cho những thiết bị ít nhạy cảm về điện và giá trị không cao như màn hình, thiết bị phát WiFi, modem ADSL, PC thế hệ cũ (Pentium 4, Core Dual…). Do UPS Offline không được tích hợp các bộ tự biến áp, phải thường xuyên dùng điện từ pin nên về cơ bản không hiệu quả trong việc gia tăng tuổi thọ cho thiết bị cũng như chính UPS. Trên thực tế, UPS Offline chỉ bảo vệ thiết bị điện trong 3 trường hợp: mất điện, giảm áp tức thời thời hoặc tăng áp tức thời trong khoảng thời gian ngắn nên Offline được đánh giá thấp nhất trong các dòng UPS.
Về cơ bản, Line Interactive giống như UPS Offline nhưng được tích hợp thêm một bộ tự biến áp AVR–Automatic Voltage Regulator. AVR là công nghệ có chức năng như thiết bị biến áp, giúp điều chỉnh điện áp đầu vào lên hoặc xuống trước khi cho đi qua thiết bị bảo vệ. Chẳng hạn, với những sự cố giảm áp (dưới 90% điện áp chuẩn) hay tăng áp (trên 110% điện áp chuẩn) kéo dài, UPS Line-interactive sẽ không chuyển sang sử dụng pin, mà dùng bộ tự biến áp để điều chỉnh dòng điện trở lại mức ổn định, đảm bảo đúng thông số yêu cầu, sau đó đưa dòng điện này đến các thiết bị; còn trong trường hợp nguồn điện bị ngắt, điện áp tăng hoặc giảm với biên độ lớn ngoài dãy điện áp qui định của UPS thì UPS sẽ chuyển sang sử dụng pin để bảo vệ thiết bị (Hình 2). Thời gian chuyển mạch từ điện lưới sang pin cần từ 2~6 ms, nhanh hơn nhiều so với UPS Offline. Về khả năng bảo vệ thiết bị điện, dòng Line-Interactive vượt trội hơn hẳn so với Offline do giải quyết được 5 sự cố điện bao gồm: mất điện, giảm áp tức thời, tăng áp tức thời, giảm áp và tăng áp trong thời gian dài.

Kết luận

Công suất phổ biến hiện nay cho dòng UPS Offline và Line-interactive dao động từ 400VA đến 2000VA, đây là dãy công suất thấp và trung bình nên giá thành thấp. Sự chênh lệch giá thành giữa 2 dòng UPS là không đáng kể, dù chênh lệch về hiệu quả có thể là 30-40%. Chính vì những lý do trên nên một số hãng sản xuất UPS đã ngưng sản xuất dòng Offline, chỉ tập trung sản xuất dòng Line-Interactive và Online để mang đến lợi ích tốt nhất cho khách hàng.Trong thời buổi kinh tế khó khăn như hiện nay, việc lựa chọn sản phẩm tốt mang lại hiệu quả lâu dài đã trở thành xu hướng tất yếu đối với doanh nghiệp. Do đó trong môi trường SOHO, các doanh nghiệp cần mạnh dạn loại bỏ những sản phẩm đã lỗi thời để trang bị cho mình những sản phẩm áp dụng công nghệ mới, mang lại nhiều hiệu quả. Thiết nghĩ, việc phân tích các lợi ích và hạn chế của từng dòng UPS sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng chọn lựa được sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình.
Trần Văn Thanh
Share on Google Plus

About Nguyễn Tiến Cường

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 comments:

Post a Comment